(DĐDN) - Được đánh giá là người “thổi hồn” cho vùng núi non hùng vĩ, hoang sơ Ba Vì thành một điểm du lịch nổi tiếng, doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty cổ phần Ao Vua được giới kinh doanh phía Bắc nhắc đến như một hiện tượng đặc biệt.
Với phương châm kinh doanh “làm tất cả những gì pháp luật không cấm” và biến những vùng đất sỏi đá thành vàng, tạo công ăn việc làm và giúp “nông dân” làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông không chỉ thành công trong xây dựng những khu nghỉ dưỡng sinh thái lý tưởng như Ao Vua, Đầm Long, Đảo Ngọc,… mà còn là người đi tiên phong trong việc hình thành một “cõi tiên” tôn nghiêm, linh thiêng dành cho người quá cố - Công viên Vĩnh Hằng.
Ngã rẽ làm nên một doanh nhân
Đầu những năm 90, cùng với sự chuyển mình của đất nước, ông được đơn vị nơi ông đang công tác được giao thêm trọng trách, tham gia phát triển kinh tế nhằm từng bước cải thiện đời sống cho cán bộ. Mặc dù, chưa quen với thương trường nhưng ông không ngần ngại nhận nhiệm vụ khó khăn này. Khi đã quen và thích nghi với sự linh hoạt, sôi động của công việc kinh doanh. Giai đoạn này ông lại “bị kẹt” giữa hai luồng tư tưởng của những người ủng hộ và phản đối hướng làm kinh tế của ông tại đơn vị. Sau hơn 20 năm gắn bó với ngành, ông đã quyết định xuất ngũ ở tuổi 40 với bao tâm trạng để “rẽ” đi theo một con đường khác.
Quyết định đó đã làm thức tỉnh, trỗi dậy và thổi bùng trong ông ngọn lửa của niềm đam mê dấn thân vào nghiệp kinh doanh. Sự ra đời của “Xí nghiệp chế biến kinh doanh lâm sản Ba Vì” do ông làm giám đốc được coi là một trong số ít xí nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Hà Tây lúc bấy giờ. Đúng là “vạn sự khởi đầu nan” vì chưa có tiền lệ nên ngay cả cái việc làm thủ tục xin phép hoạt động đã khiến ông “bở hơi tai”. Vừa đóng vai giám đốc, vừa nhân viên marketing, kế toán, ông Thản phải lăn lộn khắp nơi để tìm khách hàng, đi đâu cũng mang theo con dấu, cần là có thể ký hợp đồng ngay. Không ít người bàn ra tính vào, to nhỏ về chuyện ông ra khỏi ngành làm kinh tế. Khởi nghiệp đầu tiên trong kinh doanh của doanh nhân Thản là sản xuất và kinh doanh những “chiếc áo quan”. Với quan điểm kinh doanh là luôn giao hàng đúng hẹn, đảm bảo chất lượng nên xí nghiệp của “công an” Thản làm không hết việc. Còn công nhân xí nghiệp do cơ chế giao khoán rõ ràng, lại được trả công xứng đáng nên rất yên tâm gắn bó với xí nghiệp. Những định kiến ban đầu dần dần được tháo bỏ. Từ thành công này, anh quyết định đầu tư sản xuất sang các lĩnh vực khác như đồ nội thất, xây dựng,…
Vỡ “đất hoang”làm du lịch
Năm 1994, là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp kinh doanh của ông Nguyễn Mạnh Thản. Từ một giám đốc doanh nghiệp dân doanh anh được lãnh đạo tỉnh tín nhiệm giao trọng trách quản lý Cty du lịch Ba Vì. Nhìn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, lại rất gần Hà Nội vậy mà lúc nào cũng vắng khách. Làm thế nào để khu du lịch này đổi sắc? Là nỗi trăn trở của ông trong từng bữa ăn, giấc ngủ và ông đã nhanh chóng triển khai kế hoạch để đưa Ao Vua trở thành khu du lịch nổi tiếng của miền Bắc.
Phải nhìn vào những bước tiến dài của Cty cũng như khu du lịch Ao Vua ngày nay mới thấy được tầm quan trọng và cái tài lãnh đạo của Nguyễn Mạnh Thản lớn đến thế nào. Những năm qua, người con Ba Vì Nguyễn Mạnh Thản đã có những đóng góp vô cùng quan trọng biến vùng thung lũng rậm rạp, hoang vu khi xưa thành khu du lịch sinh thái Ao Vua hàng đầu đất nước, góp phần quan trọng cho sự vươn mình của du lịch Ba Vì nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội Ba Vì nói chung.
Luôn chú trọng đến công tác đầu tư, gây dựng và phát triển thương hiệu, hàng năm TGĐ Nguyễn Mạnh Thản cùng Cty đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có tính hấp dẫn, thu hút được lượng khách du lịch đến với Ao Vua ngày càng đông. Đặt chân đến khu du lịch Ao Vua ngày hôm nay là một vùng non nước mây trời khiến du khách ngỡ ngàng. Là một trong những địa điểm hiếm hoi ở ngoại vi Thủ đô còn lưu giữ được cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ, không gian đậm chất nhân văn và một không khí trong lành phù hợp với các kỳ nghỉ cuối tuần, nghỉ dưỡng. Hiện khu du lịch Ao Vua sở hữu một cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đang được đầu tư mở rộng quy mô với vườn chim thú, vườn truyền thuyết cổ tích, vườn tượng châu Âu, trồng thêm nhiều loại cây quý nhằm tạo bóng mát và hoàn thiện hệ sinh thái rừng. Một khách sạn 3 sao, gồm 50 phòng, hội trường 500 chỗ, nhà ăn và phòng họp hội thảo trên diện tích 5.000 m2 cùng với nhiều trò chơi hấp dẫn, mạo hiểm như: khu nhà đa năng, công viên vầng trăng, đường đua công thức 1 có thể phục vụ hàng ngàn người cùng một lúc. Đến với Ao Vua, du khách có thể dễ dàng nối tour với khu vườn cổ Ngọc Nhi, hồ Suối Hai, rừng Bằng Tạ,... Và khi ra về, du khách có thể mua nhiều loại sản phẩm du lịch, đó là những lọ hoa mỹ nghệ, những vật dụng tinh xảo, độc đáo, đẹp mắt được làm từ nguyên liệu tre, nứa bởi đôi bàn tay khéo léo của chính con người nơi đây.
Ông Thản chia sẻ: “Tôi không có suy nghĩ phức tạp, bất kỳ kinh doanh trong lĩnh vực nào, người mua bỏ tiền ra phải “đáng đồng tiền bát gạo”, du khách đến với Ao Vua hay bất kỳ khu du lịch nào phải được hưởng những dịch vụ xứng đáng với những gì mà họ bỏ ra”. Do đó, ông cương quyết bãi bỏ việc áp dụng bán giá vé rời để thăm thắng cảnh và sử dụng các dịch vụ hiện tại bằng việc giá bán vé gộp với chi phí thấp hơn. Sau một thời gian, lượng du khách nhanh chóng tăng lên, kéo theo doanh thu của Cty tăng lên đã khiến nhiều DN trong ngành bắt đầu xem xét lại cách tính vé của mình. “Tiếng lành đồn xa” cùng với cách thay đổi các dịch vụ cả về “chất” và “lượng”, từ năm 1998 đến nay, trung bình hàng năm Ao Vua thu hút khoảng 20 vạn du khách.
Những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của du khách khi đến với Ao Vua như động lực thôi thúc ông quyết tâm đầu tư thêm Khu du lịch sinh thái Đầm Long – một điểm rất gần Ao Vua. Với diện tích trên 70 ha, ông đang xây dựng nơi đây thành một điểm du lịch văn hoá đặc thù. Khu du lịch này tái hiện đầy đủ cuộc sống sinh hoạt, văn hoá tinh thần của 23 dân tộc vùng trung du Bắc Bộ cách đây vài thập kỷ. Khi bắt tay vào đầu tư, nhiều người bảo ông là kẻ liều lĩnh “ném tiền vào đầm lầy”. Đứng trước vùng đầm hoang rộng lớn và cánh rừng bạt ngàn, ông khẳng định đầu tư vào du lịch cần có cái “tâm”, lấy ngắn nuôi dài, chứ nghĩ ngay tới lợi nhuận trước mắt thì khó lắm. Và bằng cái “tâm” với đời, với nghề anh đã tìm tất cả các tài liệu liên quan đến văn hoá các dân tộc, gặp gỡ những vị sử gia để khéo léo thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc, tái hiện cuộc sống vất vả nhưng thật đẹp đẽ của vùng nông thôn phía Bắc thông qua những hình ảnh tinh tế.
Tuy mới trong giai đoạn đầu tư nhưng những vị khách đầu tiên đã rất phấn khích được đến nơi đây và tổ chức những đêm lửa trại đầy ý nghĩa. Khu vực Đầm Long rộng lớn đã được hoàn thiện với một hệ thống nhà sàn, khách sạn, nhà ăn trên 700 chỗ, trong đó mọi việc đi lại của du khách sẽ hoàn thiện theo phương thức kết hợp giữa hiện đại và truyền thống để du khách có thể thong dong dạo chơi trong khu vực rộng lớn và ngắm nhìn bọn hươu, nai, khỉ… đang đùa giỡn trong rừng; nếm những món ăn xưa được chế biến từ các nông sản hay thả hồn theo hương thơm thoang thoảng của hoa sen trên đầm.
Duyên nợ với người “cõi tiên”
Cty CP Ao Vua cùng ông Nguyễn Mạnh Thản đã vinh dự nhận nhiều đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba. Riêng cá nhân ông Thản đã được tặng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Doanh nhân VN tiêu biểu...
|
Mặc dù công việc kinh doanh hàng ngày chiếm gần hết quỹ thời gian của anh nhưng mỗi khi có dịp gặp ông, chúng tôi đều cảm nhận sự “thanh thản” và dí dỏm tràn đầy trong con người bận rộn ấy. Điều đó xuất phát từ cái tâm và niềm say mê không bao giờ tắt của một nhà kinh doanh luôn tìm tòi, sáng tạo sẵn sàng đầu tư vào những dự án khó khăn và lâu dài. Và đó còn là tố chất cần thiết để hình thành một doanh nhân đích thực, một doanh nhân trong thời kỳ mới.
Lê Hà